Cua Đá từ lâu đã là loại thực phẩm ăn nhậu, ăn chơi của rất nhiều người. Với đặc điểm thịt chắc, ngọt và gạch béo ngậy nên ngày nay đã trở thành món ăn độc đáo tại hầu hết các tỉnh thành. Vậy cua đá có những loại nào? Ăn có độc không? Giá bao nhiêu tiền? Xem chi tiết tại bài viết dưới đây.
I – Cua đá là cua gì? Có mấy loại?
Cua đá có tên khoa học là Gecarcoidea lalandii & thuộc họ cua đất (Gecarcinidae). Loài cua này không thực sự phổ biến trên thế giới và chỉ được tìm thấy ở một số nước trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam.
Tại Việt Nam do cua đá được bắt gặp ở nhiều kiểu môi trường khác nhau nên việc nhầm lẫn, băn khoăn không biết con cua mình bắt gặp có đúng là cua đá không.
♦ Cua đá núi (cua đá suối)
Những con cua đá suối thường sinh sống ở trong các hốc đá, khe nước,.. ở trong các khu vực rừng núi thuộc Tây & Đông Bắc như Hòa Bình, Tuyên Quang,…
Đây là loại phổ biến nhất và được coi như là đặc sản của núi rừng. Do sống ở địa hình hiểm trở nên việc bắt cua đá suối tương đối khó khăn & cần có một chút kỹ năng cùng sự kiên trì.
♦ Cua đá biển
Đúng như tên gọi thì đây là những con cua đá sống ở môi trường biển & thường bắt gặp ở một số nơi như đảo lý sơn, đảo cù lao chàm, đảo Cồn Cỏ, …
Tuy là loài cua biển nhưng chúng lại thường sống trên cạn. Cua đá biển thường chui vào những khe đá bên cạnh bờ biển để trú ngụ.
Do có giá trị dinh dưỡng cao nên loài cua này đang bị săn bắt quá mức, người dân và chính quyền ở huyện đảo lý sơn & cù lao chàm hiện cũng đã ban bố những tiêu chuẩn trước khi đánh bắt.
Cụ thể chỉ có những con cua kích thước hơn 7cm mới được bắt, còn lại đều phải thả lại môi trường để tránh cạn kiệt nguồn cua.
II – Đặc điểm ngoại hình của cua đá
Đúng như tên gọi thì cua đá sở hữu bộ vỏ mai vô cùng cứng chắc & rất khó để con người phá vỡ hoặc loại bỏ bằng lực tay thông thường.
Màu sắc của lớp vỏ mai thường là màu tím sẫm. 8 cẳng chân của cua đá tương đối dài nhưng 2 chiếc càng lại khá ngắn. Tuy nhiên khi trưởng thành thì càng của chúng được đánh giá là tương đối lớn.
III – Phân biệt cua đá và cua cù kỳ (cua cúm)
Hiện nay tại nhiều tỉnh thành thì người ta đang thường quen gọi con cua cúm (cua cù kỳ) cũng với tên là cua đá. Lý do là bởi chúng cũng có lớp vỏ mai rất cứng & thường sống ở các khe đá ven các bờ biển.
Tuy nhiên theo các nhà thủy sản thì cua cù kỳ với cua đá là 2 loài khác nhau. Điểm phân biệt dễ nhất là quan sát 2 chiếc càng. Cua cúm sẽ có 2 chiếc càng rất to và bự, trong khi đó càng cua đá chỉ ở mức trung bình khá.
Ngoài ra màu sắc vỏ mai của cua cù kỳ là màu nâu sậm, trong khi đó cua đá sẽ là màu tím sậm.
Nhìn chung mỗi nơi, mỗi vùng miền sẽ có những thói quen gọi khác nhau. Vì vậy để tránh nhầm lẫn thì bạn nên nhớ những điểm đặc biệt trên để phân biệt.
IV – Cua đá sống ở đâu? Tập tính như thế nào?
Cua đá vốn dĩ là một loài cua biển, tuy nhiên khác với những loài cua khác thì chúng không hoàn toàn sống trong nước. Thay vào đó cua sẽ thường sinh hoạt trên cạn, chỉ khi tới mùa sinh sản thì chúng mới quay trở lại môi trường nước.
Tùy thuộc vào khu vực sinh sống mà nơi ở của cua đá cũng có đôi chút khác biệt. Với những con cua đá biển thì thường sống ở các khe đá quanh bờ biển. Còn những cua đá núi thì sẽ sống ở các khe nước, hốc đá. Do vậy nhìn chung môi trường sinh sống của chúng sẽ gần với nguồn nước & nơi có độ ẩm cao.
Cua đá là loài ăn đêm (từ 20h – 4h) nên hiếm khi gặp chúng ra khỏi hang vào ban ngày. Thức ăn của cua đá thường là cỏ cây, lá rừng, côn trùng, sinh vật nhỏ,….
Mùa sinh sản của loài cua này thường rơi vào tháng 6 – tháng 9 hàng năm. Khi đó cua cái sẽ di chuyển vào các vùng nước để đẻ trứng trong vòng 7 – 10 ngày.
V – Cua đá có ăn được không? Có gây ngộ độc không?
Đã từ rất lâu thì cua đá vốn vẫn là món ăn ngon, dân dã được rất nhiều người ưa chuộng. Thậm chí trong những năm gần đây khi giao thương phát triển thì món ăn này còn được mang tới các thành phố lớn với giá bán tương đối cao.
Tuy nhiên cũng đã có một vài trường hợp gặp ngộ độc sau khi ăn, do đó nhiều người lo lắng rằng không biết cua đá ăn có độc không?
Thực tế vốn dĩ thịt của cua đá không hề có độc. Thay vào đó độc tính xuất hiện là do trong quá trình sinh sống thì cua đã ăn một số loại cỏ cây dại, côn trùng có độc hoặc thậm chí là nhiễm phải nọc độc của rắn.
Chính vì vậy vô tình độc tính sẽ bị nhiễm vào trong thớ thịt cua. Nếu người đầu bếp không biết cách chế biến và làm sạch có thể khiến người ăn bị ngộ độc, xuất hiện các triệu chứng như đau bụng, đau đầu, tim đập nhanh, nôn mửa,… nếu không được cấp cứu kịp có thể gây ra nguy hiểm.
Không những vậy vốn dĩ các loài tôm, cua biển đều chứa rất nhiều loại ký sinh trùng hoặc ấu trùng. Nếu con người khi ăn thịt cua mà nhiễm phải dễ dẫn đến tình trạng nhiễm sán lá phổi hoặc ấu trùng ký sinh vào tim, não hoặc tủy.
Thế nhưng nhìn chung món cua đá vẫn hoàn toàn có thể ăn được và không gây ngộ độc. Chỉ cần bạn đảm bảo việc chế biến kỹ càng và làm sạch cẩn thận trước khi ăn là được.
VI – Những lưu ý để ăn cua đá biển an toàn, không ngộ độc
Không nên lựa chọn những con cua biển đang sống để ăn liền bởi trong chúng còn rất nhiều tạp chất gây nguy hiểm. Khi chế biến cua phải nấu chín từ 20 -30 phút. Không nên ăn cua nướng, vì thịt cua có thể bị nhiễm sán chưa được khử trùng.
Tránh sử dụng cua đá biển đã được nấu và bỏ bên ngoài quá lâu. Thịt cua để lâu trong sẽ bị hỏng và ôi thiu. Đây là môi trường thích hợp cho các loại vi khuẩn thâm nhập vào.
Tuy nhiên bạn không nên lựa chọn cua biển khi nó đã chết bởi lúc này các loại vi khuẩn trong cua sẽ phát triển mạnh hơn bao giờ hết.
Cua nên được bảo quản ở trong tủ lạnh hoặc các nơi sạch sẽ. Trong trường hợp cua ăn không hết và tránh trường hợp lãng phí. Trước khi lấy cua ra ăn, bạn nhớ đun nấu lại cẩn thận và kỹ càng.
VII – Cua đá làm món gì ngon?
♦ Cua đá biển hấp
Chuẩn bị nguyên liệu: cua đá biển, sả, chanh, gừng, muối
Chế biến:
- Đem cua đi sơ chế thật kỹ, rửa sạch với nước muối. Lấy cọ chuyên dụng làm sạch vết bẩn trên mai, bụng.
- Bạn cũng có thể loại bỏ hoàn toàn yếm cua rồi để cho thật ráo nước
- Rửa sạch sả, loại bỏ những phần hư. Rồi đem đi đập dập, cắt thành từng khúc dài. Gừng cũng loại bỏ phần vỏ và cắt thành từng lát mỏng.
- Bạn nên hấp chín cua từ 20 – 30 phút để loại bỏ các vi khuẩn, ấu trùng. Sau đó cho sả, gừng vào nồi hấp chung.
- Cua khi chuyển sang màu đỏ, vớt cua ra cho vào đĩa thưởng thức cùng muối tiêu xanh.
♦ Cua đá rang me
Cua đá biển rang me rất hấp dẫn đối với trẻ nhỏ vì nó độ ngọt ngọt chua chua hấp dẫn. Các nguyên liệu chính của món này là cua, nước cốt me hoặc me tươi.
Chế biến:
- Sơ chế cua thật sạch sẽ, tách phần mai và rửa sạch. Lấy phần gạch cua để riêng vào một bát khác.
- Cua sau khi sơ chế, cắt ra từng phần cho dễ ăn.
- Cho tiêu, hạt nêm vào cua, ướp trong vòng 20 -30 phút để thịt cua ngấm gia vị.
- Đun nóng chảo dầu, bỏ cua đã ướp vào chiên vàng, sau đó vớt ra ráo dầu.
- Phi thơm hành và tỏi, cho hành tây, đường, hạt nêm vào đun cùng, để lửa nhỏ. Sau đó, lấy nước me đã lọc bỏ vào.
- Cho bột năng đã hoà với nước để tạo độ sệt. Nếu chế biến cho trẻ em, bạn không nên bỏ cay vào.
- Nêm nước me xem đã vừa chưa rồi bỏ cua chiên vàng vào trộn đều.
- Gạch cua sau khi đun 5 – 7 phút, cho vào trộn đều cùng và thưởng thức.
♦ Cua đá núi rang muối
Cũng giống như hai cách làm trên, nguyên liệu chế biến cho món ăn này cũng không phức tạp. Đầu tiên các bạn chuẩn bị: cua biển, rau răm, muối, đường, hạt tiêu, gia vị nêm…
Chế biến:
- Mua cua sống về đem đi rửa sạch với nước muối, loại bỏ phần yếm. Sau khi được rửa sạch sẽ thì vớt cua ra để ráo nước.
- Cua đá bạn nên chia thành các phần nhỏ để dễ ăn, rồi đem ướp muối, hạt nêm.
- Đun chảo dầu, cho muối và cua đã ướp vào đảo đều. Đậy nắp và đun ở dưới nhiệt độ thấp.
- Đun đến khi không còn nghe thấy tiếng nổ trong nồi nữa. Sau đó mở nắp và đảo lại một lần nữa. Cho đến khi các mặt cua đã chuyển sang màu đỏ chín rồi tắt bếp.
- Bày cua chín ra đĩa cùng rau răm và thưởng thức.
VIII – Cua đá giá bao nhiêu tiền? Mua ở đâu?
Do tập quán sinh hoạt về đêm và môi trường sống nên bắt cua đá tương đối khó khăn. Tuy nhiên theo khảo sát trên thị trường thì giá cua đá cũng không quá cao & hợp túi tiền với rất nhiều người tiêu dùng.
Hiện nay 1 kg cua đá có giá khoảng từ 150.000 – 250.000 VNĐ tùy theo size của cua. Những con có trọng lượng nặng thường sẽ có giá cao hơn những con nhỏ.
Người tiêu dùng có thể đặt mua trên các trang thương mại điện tử hoặc một số tiểu thương chuyên kinh doanh online. Ngoài ra có thể tìm mua tại các chợ cóc hoặc cửa hàng thủy sản gần khu vực sống.
Mong rằng bài viết giới thiệu về loài cua đá trên đã giúp các bạn hiểu được nhiều thông tin hữu ích. Nhớ like và share bài viết dùm Ngân nha.