Cá thác lác là thực phẩm tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên làm sao để chế biến được những món ăn từ cá thác lác ngon chuẩn vị thì không phải ai cũng biết làm bởi loài cá này chưa thực sự gần gũi với người dân Việt Nam. Cá thác lác nấu được những món gì ngon? Bài viết dưới đây sẽ mách bạn những công thức nấu cá thác lác đơn giản, tưởng không ngon mà ngon không tưởng nhé.
I – Cá thác lác là cá gì? Có mấy loại?
Cá thác lác (cá thát lát) có tên khoa học là Notopterus notopterus là một loài thuộc họ Thát Lát (Notopteridae) trong bộ cá rồng. Trong họ cá thát lát sẽ được chia thành 4 chi & có từ 8 – 10 loài, bao gồm:
1 – Chi Chitala
- Cá nàng hương(cá da báo, cá còm da báo) (Chitala blanci d’Aubenton, 1965).
- Chitala borneensis Bleeker, 1851
- Cá nàng hai hay cá còm, cá thát lát còm, cá thác lác cườm (Chitala chitala Hamilton, 1822).
- Chitala hypselonotus Bleeker, 1852
- Cá thát lát khổng lồ (Chitala lopis Bleeker, 1851).
- Cá còm (Chitala ornata Gray, 1831).
2 – Chi Notopterus
- Cá thát lát (Notopterus notopterus Pallas, 1769).
3 – Chi Papyrocranus
- Cá dao mắt lưới (Papyrocranus afer Günther, 1868)
- Papyrocranus congoensis Nichols & La Monte, 1932
4 – Chi Xenomystus
- Cá dao châu Phi (Xenomystus nigri Günther, 1868)
II – Cá thác lác sống ở đâu?
Cá thát lát là một loài cá nước ngọt và sống chủ yếu ở các nước trong khu vực Đông Nam Á như Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Myanmar,….
Tại Việt Nam, cá thác lác thường được tìm thấy ở những vùng nước ngọt thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long, sông Đồng Nai,…
Lưu ý, có nhiều người thường phân vân tên cá thác lác hay cá thát lát mới đúng. Thực ra nếu chiếu theo các quy chuẩn từ wikipedia thì thuật ngữ cá thát lát mới là cách gọi đúng.
Tuy nhiên do trong tiếng việt thì có 1 vài vùng miền cách phát âm có thể bị lái thành cá thác lác, lâu dần người ta mới không phân biệt rõ đâu là cách gọi chuẩn
III – Đặc điểm ngoại hình của cá thác lác
Tổng quan thân hình của 1 con cá thát lát trưởng thành tương đối giống 1 lưỡi dao, do vậy nhiều nơi cũng gọi nó là cá đao.
Cá thác lác khi trưởng thành có thể dài tới 16 cm và đạt trọng lượng khoảng 200 – 300gr. Mình cá tương đối dẹt và trên lưng thường sẽ là màu xám hoặc đồng. Điểm đặc biệt ở loài cá này là có lớp vây chạy dọc dưới bụng và nối liền luôn với vây đuôi.
IV – Cách phân biệt cá thát lát và cá nàng hai (thác lác cườm)
Đối với những người không có kinh nghiệm mua hoặc chọn lựa cá thì rất dễ bị nhầm lẫn giữa cá thác lác với cá nàng 2.
Những con cá nàng 2 tuy cũng thuộc cùng họ với cá thác lác, tuy nhiên chất lượng thịt của chúng được đánh giá là kém hơn so với cá thát lát. Chính vì vậy mà giá thương phẩm của cá nàng cũng thấp hơn.
Do ngoại hình của 2 giống cá này rất giống nhau nên nhiều tiểu thương thường lợi dụng sự nhập nhèm để kiếm thêm lời.
Để phân biệt giữa cá nàng 2 (thác lác cườm) và cá thát lát thì bạn chỉ cần dựa vào những đốm đen ở đuôi của chúng.
Cá nàng 2 sẽ có những đốm đen chạy dọc ở phần đuôi (đây cũng là lý do người ta gọi chúng là thác lác cườm). Trong khi đó những con cá thát lát chuẩn sẽ không có đốm đen nào cả. Ngoài ra lưng của cá thác lác cườm sẽ gù hơn một chút so với cá thát lát sông.
Mánh khóe của tiểu thương khi muốn trộn lẫn giữa 2 dòng cá này rất đơn giản. Họ chỉ cần lấy miếng cọ sắt rửa bát và tẩy đi đốm đen trên đuôi cá nàng 2.
Do vậy khi chọn mua bạn cần để ý kỹ ở phần đuôi. Nếu nhìn thấy da cá ở phần đuôi bị tróc vảy lộ rõ thịt thì rất có thể đó chỉ là cá nàng 2, không phải cá thát lát chuẩn.
V – Hướng dẫn kỹ thuật nuôi cá thát lát
♦ Tiêu chuẩn cho môi trường nuôi cá thác lác
Hiện nay có rất nhiều mô hình nuôi cá thát lát tương đối mới lạ như nuôi trên bè, trong mùng,… Tuy nhiên phổ biến nhất vẫn là nuôi trong ao.
Để cho ra những mẻ cá thương phẩm chất lượng tiêu chuẩn, ao hoặc bể phải duy trì nhiệt độ ở mức 26 – 30 độ C & độ pH dao động từ 6.5 – 8 là vừa.
Ngoài ra trước khi thả cá nuôi bạn cũng nên cải tạo lại ao hoặc bể, mục đích là để loại bỏ những ký sinh trùng vẫn còn tích tụ bên trong, từ đó tránh cá sinh bệnh
♦ Cách chọn cá giống để nuôi
Để chọn được cá thát lát giống tốt thì bạn cũng cần tìm được địa chỉ bán uy tín. Trong quá trình chọn lựa, nên nhắm tới những con đang bơi trong đàn, không chọn những con bơi rời rạc hoặc ẩn núp.
Khi đã chọn được cá giống thì không nên thả vào ao ngay. Bạn nên ngâm bao tải chứa cá thác lác xuống ao trong tầm 30 phút trước, mục đích là để cá làm quen với môi trường mới & chống bị sốc nhiệt.
♦ Cá thác lác ăn mồi gì
Do là loài ăn tạp nên cá thác lác chủ yếu ăn các loại mồi là sinh vật phù du, ấu trùng, tôm tép, cá con, long tong,… Tuy nhiên nếu muốn nuôi cá thát lát thương phẩm thì bạn nên chọn các loại thức ăn công nghiệp để cá mau lớn & chủ động được nguồn thức ăn.
Mặc dù đây là loài cá thường ăn vào buổi đêm, thế nhưng bạn hoàn toàn có thể cho chúng ăn vào buổi sáng và buổi chiều, không nhất thiết đêm tối mới được cho chúng ăn.
Ngoài ra khi mua thức ăn công nghiệp cho cá thác lác, bạn cần dựa vào size cá mà chọn size thức ăn phù hợp. Nếu cá nhỏ thì chọn những loại viên nhỏ, ngược lại cá size lớn thì nên chọn viên lớn hơn. Thêm vào đó nên chọn loại thức ăn từ 30 – 40% đạm
♦ Tập tính sinh sản
Mùa sinh sản của cá thát lát thường rơi vào khoảng tháng 5 – tháng 7. Mỗi lần cá cái sinh sản có thể đạt từ 300 – 1000 trứng. Trứng cá sau khi sinh ra sẽ bám chặt vào các khe đá & được cá đực bảo vệ.
Những con cá đực trong quá trình bảo vệ trứng sẽ trở nên rất hung dữ. Không những vậy chúng cũng rất thông minh khi liên tục dùng đuôi để vẩy nước vào khu vực có trứng. Mục đích là tạo luồng oxy để trứng có thể hô hấp.
VI – Công dụng, giá trị dinh dưỡng của cá thác lác với con người
Về mặt giá trị dinh dưỡng, cá thát lát cung cấp cho cơ thể con người một hàm lượng lớn omega 3, vitamin A, D, E và nhiều khoáng chất bổ dưỡng.
Tăng sức khỏe mắt: Vitamin A có trong cá thát lát hỗ trợ mắt khỏe mạnh hơn, từ đó chống lại các bệnh liên quan về mắt như nhức mỏi, mờ mắt, quáng gà,…..
Tăng cường hệ tim mạch: Hợp chất Omega 3 có trong cá thác lác được chứng minh là bổ trợ rất tốt cho hệ tim mạch & sức khỏe ở người lớn tuổi & bà bầu. Tất nhiên người bình thường vẫn được hưởng lợi từ hợp chất này
Bổ thận tráng dương: Trong Đông y, người ta thường sử dụng cá thác lác để tăng cường sức khỏe nam giới. Không những vậy còn giúp nhuận tràng cho trẻ em.
Ngoài ra vẫn còn rất nhiều lợi ích khác từ loài cá này như chữa chóng mặt, chữa dạ dày, chữa vàng da, suy dinh dưỡng,…. Vì vậy dòng cá thát lát ngày nay càng được nhiều người ưa chuộng và tìm mua
VII – Cá thát lát giá bao nhiêu tiền 1kg? Mua ở đâu?
Bạn cần nhớ rằng thị trường hiện nay có loại cá thác lác cườm (cá nàng 2) & cá thát lát chuẩn. Hai loại cá này ngoại hình cực kỳ giống nhau, tuy nhiên chất lượng thịt sẽ không giống nhau.
Theo đó giá cho mỗi cân cá thác lác chuẩn sẽ cao hơn khá nhiều so với cá nàng 2. Vì vậy bạn đọc cần lưu ý kỹ để tránh bị mua hớ.
- Giá Cá thát lát chuẩn: 300.000 – 350.000 VNĐ/kg
- Giá cá thác lác cườm: 70.000 – 150.000 VNĐ/kg
- Giá chả cá thát lát: 250.000 – 350.000 VNĐ/kg (loại thác lác cườm hoặc có pha cá ba sa).
Nhìn chung hiện nay trên thị thường chủ yếu sẽ bán cá thác lác cườm bởi loại cá này được chăn nuôi nhiều hơn. Do vậy bạn có thể tìm mua tại rất nhiều nơi từ chợ cóc tới siêu thị.
VIII – Cá thác lác làm món gì ngon?
Người nội trợ chú ý, loài cá thát lát này khá nhiều xương dăm, do vậy nếu có điều kiện hãy lựa mua những con cá có size to. Ở những con cá thác lác size to tuy vẫn nhiều xương nhưng xương sẽ to nên sẽ dễ lấy ra hơn.
1.1/ Các món canh ngon từ cá thác lác
1.1.1/ Canh khổ qua cá thát lát
Bước 1: chuẩn bị
– Cá thác lác/ Thịt cá thác lác được nạo sẵn
– Khổ qua (mướp đắng)
– Hành lá, hành củ tím
– Gia vị: muối, hạt nêm, nước mắm, đường, bột ngọt
Bước 2: Sơ chế
– Hành tím bóc vỏ, thái nhỏ, chia làm 2 phần
– Cá thác lác rửa sạch, nạo lấy thịt sau đó ướp cùng hành tím băm nhỏ, nước mắm, tiêu rồi trộn đều và dùng thìa miết thật nhiều lần để tạo độ dai cho thịt cá.
– Khổ qua: bỏ hạt, thái lát mỏng và ngâm vào nước muối loãng để giảm vị đắng khi nấu canh và tạo độ giòn.
Bước 3: Chế biến
Phi thơm phần hành tím còn lại với chút mỡ hoặc dầu ăn rồi cho khoảng bát tô nước, đun sôi, nêm gia vị vừa ăn.
Khi nước canh sôi bắt đầu thả những viên thịt cá thác lác vào, đu đến khi nổi lên thì thả khổ qua vào, đun sôi khoảng 3 phút rồi tắt bếp.
Múc canh ra bát, thêm chút hành lá và rau mùi ăn cùng với cơm nóng.
1.1.2/ Canh tần ô cá thác lác
Bước 1: Chuẩn bị
– 1 bó rau tần ô
– Cá thác lác cả con/ thịt cá thác lác
– Hành lá, hành tím
– Gia vị: hạt nêm, muối, nước mắm, tiêu, hành lá
Bước 2: Sơ chế
– Hành tím bóc bỏ, chia làm 2 phần.
– Cá thác lác nạo lấy phần thịt, ướp với chút nước mắm, hành tím băm nhỏ, dùng thìa miết nhiều lần để thịt dai.
– Rau tần ô bỏ lá úa, rửa sạch, cắt đôi
Bước 3: Chế biến
– Phi thơm hành tím với chút dầu ăn, cho vào nổi khoảng bát tô nước, đun sôi, nêm gia vị cho vừa ăn rồi thả từng viên thịt cá thác lác vào nồi. Khi thấy thịt cá nổi lên là cá đã chín.
Thả rau tần ô vào đun sôi khoảng 3-5 phút rồi bắc xuống. Múc canh ra bát, thêm chút tiêu hạt, hành lá, rau mùi và ăn với cơm trắng.
1.1.3/ Cá thát lát nấu canh chua
Bước 1: chuẩn bị
– cá thác lác/ thịt cá thác lác nạo sẵn
– Gia vị: muối, đường, hạt nêm, mắm, tiêu, dầu ăn
– Cà chua, dứa (thơm), dọc mùng, me tươi, ớt tươi, hành lá, thì là, hành tím
Bước 2: Sơ chế
– Cá thác lác nạo thịt ướp cùng với hành tím băm nhỏ, chút nước mắm, hạt tiêu phết nhuyễn.
– Cà chua rửa sạch bổ múi cau, dứa thái lát mỏng xào xơ với chút đường, dọc mùng tước vỏ, thái lát, bóp muối, dầm me với nước sôi, lọc lấy nước me. Hành lá bỏ rễ, thái nhỏ.
Bước 3: Chế biến
– Dùng nước me chua cho vào nồi dứa xào đường đun sôi. Thả lần lượt cà chua, dọc mùng vào đun sôi. Thả tiếp thịt cá thác lác, đun sôi chờ cá nổi, nêm chút gia vị cho vừa ăn và tắt bếp.
– Múc canh ra bát, thêm chút hành lá và thì lá ăn cùng với cơm trắng.
1.1.4/ Cá thác lác nấu ngót
Bước 1: Chuẩn bị
– Cá thác lác nguyên con/ thịt cá thác lác
– Cà chua, cần ta, hành lá
– Hành lá, hành tím
– Gia vị : muối, mắm, dầu ăn, hạt nêm
Bước 2 : Sơ chế
– Cá nạo lấy thịt, ướp cùng chút nước mắm, hành tím băm nhuyễn, hạt tiêu và dùng thìa miết nhuyễn.
– Cà chua bổ múi cau, cần ta làm sạch, lấy phần thân non, cắt đoạn vừa ăn. Hành lá bỏ rễ, thái nhỏ
Bước 3 : Chế biến
– Cho vào nồi chút dầu ăn và phi thơm hành tím. Sau đó thả một nửa cà chua vào đảo đều cho ra màu. Cho vào một bát tô nước đun sôi và nêm giá vị cho vừa miệng.
– Tiếp tục thả từng viên thịt cá vào đun sôi để cá nổi lên rồi thả phần cà chua còn lại cùng với rau cần vào nồi. Đun khoảng 5 phút rồi tắt bếp.
– Múc canh ra bát, thêm chút hành lá, tiêu bột, ót sừng ăn kèm cơm trắng.
1.2/ Các món chả cá thác lác ngon
Chả cá thát lát được xem như là món ăn đặc trưng và tiêu biểu nhất của dòng cá này. Tuy nhiên bạn cũng cần chú ý rằng nhiều nơi rất hay sử dụng cá nàng 2 để làm chả cá, tuy rằng ăn vẫn ngon nhưng chả cá thát lát cườm sẽ hơi khô hơn, không ngon xuất sắc như chả cá thác lác chuẩn.
Ngoài ra nếu mua nguyên con cá thác lác về để nạo lấy thịt làm chả cá bạn nên chọn những con size lỡ ( 400 – 500gr). Không nên chọn những con size lớn bởi cá sẽ tương đối mỡ và nạo rất mỏi tay.
Ngoài ra bạn cũng cần ước tính được số lượng cân chả cá mình cần sử dụng. Bởi cứ khoảng 2,5kg cá thát lát tươi mới cho ra 1kg thịt thác lác nạo.
1.2.1/ Chả cá thác lác chiên trứng
Bước 1 : chuẩn bị
– Thịt cá thác lác
– Trứng gà
– Hành lá, hành tím
– Gia vị : hạt nêm, mắm, muối, tiêu
Bước 2 : Chế biến
– Thịt cá thác lác sau khi đã được ướp cùng với hành tím băm nhuyễn, mắm và tiêu được quết thật đều để tạo độ dẻo
– Đập trứng ra bát, đánh đều, thêm chút muối ăn và tráng mỏng trên chào dầu nóng.
– Khi trứng chín, đổ trứng ra đĩa, phết chả cá thác lác đã được ướp lên trên rồi thả vào chảo dầu nóng già, chiên trên lửa nhỏ để trứng không bị cháy mà chả cá vẫn chín đều.
– Cho thành phẩm ra đĩa, cắt thành những phần vừa ăn và ăn cùng cơm nóng.
Nếu bạn khéo tay bạn có thể cuộn trứng và chả cá thác lác lại nhìn sẽ hấp dẫn hơn đấy.
1.2.2/ Chả cá thát lát chiên giòn
Bước 1: chuẩn bị
– Cá thác lác tươi
– Hành tím, hành tươi, mắm, muối, hạt nêm, hạt tiêu
Bước 2: chế biến
– Cá thác lác nạo lấy thịt, ướp cùng chút mắm, hạt tiêu, hành tím băm nhuyễn, dùng thìa phết nhiều lần cho thịt dẻo.
– Dùng cá đã ướp viên thành tưng viên nhỏ, dát mỏng và thả vào chả dầu đã nóng già, chiên đến khi vàng đều là được.
1.2.3/ Chả cá thác lác trộn thịt
Bước 1: chuẩn bị
– Cá thác lác tươi
– Thịt lợn xay
– Gia vị: Hành, tỏi, sả băm nhuyễn, hạt nêm, nước nắm, tiêu
Bước 2: chế biến
– Nạo thịt cá vào tô dùng thìa phết cho đến khi thịt cá đanh lại. Cho thịt xay vào trộn đều thành hỗ hợp đồng nhất. Tiếp tục cho sả, tỏi, hành đã băm nhuyễn vào hỗn hợp thịt và cá, thêm hành lá thái nhỏ rồi nêm gia vị cho vừa miệng, trộn đều.
– Viên hỗ hợp trên thành từng viên nhỏ và ấn dẹt xuống, thả vào chả dầu đa nóng già, chiên cho đến khi miếng chả vàng đều thì tắt bếp và ăn cùng cơm nóng.
1.3/ Các món lẩu cá thát lát thơm ngon
1.3.1/ Lẩu cá thác lác khổ qua
Bước 1: chuẩn bị
– Cá thác lác tươi
– Khổ qua
– Xương ống heo
– Bún tươi
– Ớt, hành tím, hành lá, mùi tàu, rau tần ô, cải bẹ xanh
– Hạt nêm, nước năm, hạt tiêu, đường, muối
Bước 2: Sơ chế
– Cá thác lác nạo lấy thịt, ướp cùng chút muối, hạt nêm, nước mắm, tiêu, hành lá, hành tím băm nhuyễn và bảo quản trong tủ lạnh. Khi nào ăn thì lấy ra để đảm bảo độ tươi ngon.
– Khổ qua làm sạch, bổ đôi và khoét bỏ ruột, thái lát mỏng rồi bảo quản trong ngăn mat tủ lạnh để tạo độ giòn khi ăn.
– Xương ống heo bổ đôi, ninh làm nước lẩu. Trong quá trình ninh bạn nên hớt bọt thường xuyên để đảm bảo độ trong của nước.
– Rau lẩu rửa sạch, thái vừa ăn, để ráo nước.
Bước 3: Thưởng thức
– Sau khi hoàn thành nồi nước lầu thì đặt nó trên bếp từ hoặc bếp ga mini, đun sôi và thả từng viên thịt cá thác lác vào, thưởng thức cùng các loại rau và bún.
– Nhớ chuẩn bị thêm chén nước mắm ớt để chấm cá nữa nhé!
1.3.2/ Lẩu cá thác lác chua cay
Bước 1: chuẩn bị
– Cá thác lác tươi
– Xương ống heo để ninh nước dùng
– Cà chua, dọc mùng, thơm, khổ qua, nấm kim châm hoặc nấm đùi gà
– Hành tím và tỏi băm, hành tây, hành lá cùng các loại gia vị bột nêm, nước mắm, tiêu, muối…
– Rau muống, mùng tơi, bắp chuối…
– Bún tươi
Bước 2: chế biến
– Cá nạo lấy thịt, ướp cùng chút muối, hạt nêm, hạt tiêu, hành tím băm nhuyễn ướp trong tủ lạnh, khi nào ăn thì lấy ra để đảm bảo độ tươi ngon.
– Xương ống chẻ đôi, ninh lấy nước dùng. Thời gian ninh thường là 2 tiếng. Trong quá trình ninh bạn cần vớt bọt để nước trong.
– Khổ qua rửa sạch, bỏ hạt, thái lát để trong tủ lạnh để tạo độ giòn
– Nấm, rau lẩu cắt gốc, rửa sạch để ráo.
– Cho hành, tỏi băm nhuyễn vào nồi dầu nóng phi thơm, cho cà chua vào đảo đều để ra màu.
– Sau đó trút nước xương vào, nên nếm gia vị cho vừa miệng rồi cho thơm, dọc mùng vào đun sôi.
Bước 3: Thưởng thức
– Chuyển nồi nước dùng sang bếp chuyên dụng, thả từng viên cá thác lác vào nồi cùng với rau lẩu, đợi sôi và thưởng thức cùng với mắm ớt và bún tươi.
1.4/ Cá thác lác kho cà chua
Bước 1: Chuẩn bị
– Cá thác lác tươi
– Xương ống heo
– Cà chua, hành tươi, hành tím,
– Gia vị: muối, hạt nêm, nước mắm, tiêu, ớt
Bước 2: Sơ chế
– Cá thác lác tươi nạo thịt, ướp cùng gia vị và hành tím băm nhỏ, viên thành từng viên nhỏ.
– Xương ống heo bổ đôi, ninh lấy nước để kho cá.
– Cà chua bổ múi cau.
Bước 3 : Chế biến
– Hành tím băm nhỏ phi thơm rồi trút nước hầm xương vào, đu sôi nước, nêm nếm gia vị và thả cá vào, nêm chút ớt cay cay để tăng độ ngon của món ăn.
Sau đó cho cà chua vào đun thêm khoảng 5 phút cho cà chua chín. Nêm ném lại gia vị, rắc lên chút hành tươi và tắt bếp. Múc cá kho ra bát, ăn cùng cơm nóng.
Qua bài viết chia sẻ tổng quan về loài cá thác lác thì Ngân hi vọng bạn đã nắm được những thông tin cơ bản nhất & cách phân biệt cá thát lát và cá nàng 2. Chúc bạn có những món ăn ngon từ loài cá này.